Tăng sắc tố sau viêm (PIH) là tình trạng hắc sắc tố melanin trong da tăng quá mức hoặc phân bố không đều sau phản ứng viêm. Nguyên nhân chủ yếu là do da bị tổn thương bởi các yếu tố ngoại sinh như lột da, laser, mài da hoặc hậu quả của các bệnh về da liễu. Tuy không để lại sẹo nhưng vùng da bị tăng sắc tố sau viêm thường sạm đen hoặc có màu xám, nâu đậm,... và rất khó phục hồi. Vậy tăng sắc tố da sau viêm là gì? Cách điều trị như thế nào? Cùng Eucerin tìm hiểu ngay sau đây.
>>>Xem thêm: Sạm da là gì? Nguyên nhân hình thành và cách điều trị sạm da hiệu quả
Tăng sắc tố sau viêm là gì?
Tăng sắc tố sau viêm (tiếng anh là Post inflammatory hyperpigmentation – PIH) là tình trạng melanin trong da tăng quá mức hoặc phân bố không đều sau phản ứng viêm (do mụn, viêm da cơ địa hay bệnh vảy nến) hay sau khi da bị tổn thương (do lột da hóa học, mài da hay liệu pháp laser). Bất kỳ yếu tố nào khiến da kích ứng hoặc tổn thương đều có thể gây ra tình trạng này.
Cơ chế bệnh sinh của chứng tăng sắc tố sau viêm như sau:
-
Kích thích sản xuất các chất gây viêm: Quá trình viêm kích thích việc sản xuất và oxy hóa acid arachidonic, dẫn đến tăng sinh các chất gây viêm như cytokines, leukotrienes, chemokines, prostaglandins và các chất trung gian gây viêm khác.
-
Tăng sản xuất melanin: Các chất gây viêm kích thích tế bào melanocyte sản xuất melanin quá mức.
-
Phân bố melanin không đều: Melanin được vận chuyển lan ra xung quanh, từ tế bào melanocyte đến các tế bào da khác. Tuy nhiên, quá trình viêm có thể làm gián đoạn quá trình vận chuyển này, dẫn đến melanin tích tụ ở một số khu vực, gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm
Đối với tăng sắc tố da ở lớp trung bì, có hai cơ chế bệnh sinh:
-
Cơ chế 1: Lớp tế bào ở đáy thượng bì bị phá vỡ do quá trình viêm, phóng thích melanin vào nhú trung bì. Sau đó, đại thực bào tại đây sẽ tiến hành thực bào và giải phóng melanin.
-
Cơ chế 2: Đại thực bào đi vào lớp thượng bì và thực bào melanosome rồi quay lại lớp trung bì (lớp tế bào bên dưới thượng bì), khiến melanin tích tụ tại đây. Melanin ở lớp trung bì có thể tồn tại trong đại thực bào trong nhiều năm, khiến tình trạng tăng sắc tố da sau viêm kéo dài dai dẳng.
>>>Xem thêm: 6 nguyên nhân gây nám tàn nhang ở phụ nữ và phương pháp điều trị
Tăng sắc tố da sau viêm là tình trạng melanin phân bố không đều (Nguồn: Internet)
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da sau viêm
Tăng sắc tố da sau viêm xảy ra do lớp bì bị tổn thương, dẫn đến rối loạn sắc tố melanin, khiến melanin phân bố không đều hoặc lắng đọng tại lớp thượng bì, trung bì. Bất kỳ yếu tố nào khiến da tổn thương hoặc kích ứng đều có thể gây tăng sắc tố sau viêm, cụ thể có hai nhóm nguyên nhân chính:
-
Nguyên nhân nội sinh: Một số bệnh da liễu như mụn trứng cá, viêm da cơ địa, dị ứng, nhiễm trùng da, vảy nến, lichen phẳng, côn trùng cắn,...
-
Nguyên nhân ngoại sinh: Tổn thương da do bỏng, nhiễm độc ánh sáng, chấn thương, điều trị tia xạ không ion hóa, lột da, lăn kim, laser, tác dụng phục của một số loại thuốc như thuốc kháng sinh nhóm Cyclin (Tetracycline), thuốc sốt rét, thuốc chống ung thư (Bleomycin, Doxorubicin, Busulfan, 5-fluorouracil)
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị tăng sắc tố sau viêm, cụ thể:
-
Da tối màu: Người có da tối màu thường có nhiều melanin hơn và do đó dễ bị tăng sắc tố sau viêm hơn. Người Châu Á vì có làn da tối màu, do đó tăng sắc tố sau viêm xảy ra khá phổ biến. Theo thống kê, có hơn 50% người Châu Á gặp tình trạng này và thường nghiêm trọng, kéo dài lâu hơn so với người da trắng.
-
Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời kích thích tế bào melanocyte sản xuất melanin và có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố sau viêm.
-
Viêm da dai dẳng: Tình trạng viêm da kéo dài dai dẳng hoặc tái phát liên tục gây tổn thương lớp thượng bì và trung bì, làm tăng nguy cơ bị tăng sắc tố sau viêm.
-
Vùng da tổn thương bị cọ xát, ẩm ướt, tróc mài sớm: Những trường hợp này dễ dẫn tới tăng sắc tố da sau viêm, thậm chí là mức độ nặng và khó phục hồi.
>>>Xem thêm: 8 nguyên nhân gây nám da phổ biến ở phụ nữ
Mụn trứng cá là một trong những nguyên nhân gây tăng sắc tố da sau viêm (Nguồn: Internet)
Biểu hiện của tình trạng tăng sắc tố sau viêm
Tăng sắc tố sau viêm có những biểu hiện, triệu chứng như sau:
-
Tình trạng tăng sắc tố da xảy ra ở vùng da đã bị tổn thương trước đó như tăng sắc tố sau mụn, nhiễm trùng,...
-
Sậm màu hơn so với các vùng da khác, có thể có màu xám, nâu hoặc đen tùy từng trường hợp.
-
PIH nông (tại lớp thượng bì): Dát màu nâu, nâu đen hoặc đen; nhìn rõ dưới đèn Wood (đèn chuyên dụng trong da liễu); có thể tự mất đi sau vài tháng đến vài năm mà không cần điều trị.
-
PIH sâu (bên dưới lớp thượng bì): Dát màu xám xanh; không nhìn rõ dưới đèn Wood; có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc tự mất đi sau một thời gian rất dài nếu không điều trị.
>>>Xem thêm: Da bị nám nhẹ là do đâu? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả khi nám mới xuất hiện
Vùng da sau khi tổn thương có màu sậm hơn các vùng da khác (Nguồn: Internet)
Cách điều trị tăng sắc tố sau viêm hiệu quả
Tăng sắc tố sau viêm có tự hết không? Tăng sắc tố da bao lâu thì hết? Tăng sắc tố da sau viêm không để lại sẹo lồi hay sẹo lõm, tuy nhiên chúng phải mất một thời gian dài (khoảng 3 - 24 tháng) mới có thể mờ đi. Tùy thuộc vào độ tuổi, màu da, tác động của ánh nắng, vị trí và mức độ tổn thương, cách chăm sóc da sau tổn thương,... mà thời gian hồi phục sẽ khác nhau. Chẳng hạn, tăng sắc tố sau viêm sẽ mờ đi nhanh hơn nếu nó xảy ra ở người trẻ, lớp thượng bì hoặc ít bị tác động của ánh nắng. Ngoài ra, thời gian phục hồi cũng phụ thuộc và sự khác nhau giữa màu da và màu của vùng da bị tổn thương- càng khác màu thì càng tốn nhiều thời gian để cân bằng lại. Các phương pháp điều trị thì nhằm thúc đẩy và làm nhanh quá trình phục hồi, dưới đây là hai cách điều trị tăng sắc tố da sau viêm phổ biến:
Điều trị tăng sắc tố da
Để loại bỏ đốm sắc tố, trị thâm sau viêm da, bạn nên chống nắng cho da và áp dụng phương pháp điều chỉnh các dấu hiệu hoặc phương pháp loại bỏ vùng da bị đổi màu, cụ thể như sau:
-
Chống nắng cho da: Đây là bước quan trọng nhất trong điều trị và ngăn ngừa tăng sắc tố da sau viêm. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có SPF 50+ trở lên, thoa đều đặn mỗi 2 tiếng, đặc biệt khi ra ngoài trời nắng. Có thể kết hợp uống viên chống nắng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, che chắn da bằng mũ rộng vành, khẩu trang, áo khoác khi ra ngoài trời nắng.
-
Sử dụng thuốc bôi tại chỗ: Còn gọi là phương pháp điều chỉnh. Có nhiều loại thuốc bôi kê đơn hoặc không kê đơn giúp làm mờ nám, đồi mồi, sáng da, ức chế hình thành hắc sắc tố melanin và làm đều màu da, làm trắng các vùng da bị tối màu. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để lựa chọn loại thuốc phù hợp với tình trạng da, tránh dị ứng và khiến tình trạng tăng sắc tố da nghiêm trọng hơn. Đồng thời, nên thoa thuốc đều đặn và kiên trì sử dụng ít nhất 2 tuần trước khi can thiệp thủ thuật laser. Thuốc trị tăng sắc tố sau viêm thường chứa các thành phần sau đây:
-
Hydroquinone 2-4% (Rx): Hydroquinone là một hợp chất tẩy trắng da hiệu quả đã bị cấm sử dụng trong các mỹ phẩm ở hầu hết các nước ở châu Âu vì chúng liên quan đến nguy cơ bị nhiễm độc rất cao. Tuy nhiên, chúng vẫn được dùng ở Mỹ, với tỉ lệ cao hơn (Rx>4%) khi dùng với chỉ định của bác sĩ và tỉ lệ thấp hơn (<2%) được dùng trong các loại thuốc không cần kê đơn.
-
Retinoid: Retinoid là một nhóm dẫn xuất của Vitamin A, có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào da mới, đẩy nhanh quá trình loại bỏ tế bào da cũ sậm màu. Retinoid cũng ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase, từ đó làm giảm sản xuất melanin. Đồng thời làm gián đoạn quá trình vận chuyển melanin của melanosome, giúp giảm lượng melanin tích tụ trong da. Có ba dạng Retinoid bôi tại chỗ phổ biến là Tretinoin, Adapalene, Tazarotene. Retinoid có thể sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc khác để điều trị PIH hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Retinoid có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô da, bong tróc, mẩn đỏ và kích ứng. Do đó, nên sử dụng Retinoid vào ban đêm và kết hợp với kem dưỡng ẩm để giảm thiểu tác dụng phụ.
-
Glycolic Axit: Glycolic Axit là hợp chất hoạt tính trong nhiều loại kem chống chứng tăng sắc tố da, được sử dụng bởi các bác sĩ da liễu để tẩy tế bào chết hóa học, loại bỏ lớp da trên bề mặt. Quá trình này ban đầu sẽ gây ra các vết giộp. Một khi các vết giộp đã lành, làn da mới và đều màu sẽ được hiện ra ở bên dưới.
-
Alpha Arbutin: Arbutin là thành phần quan trọng trong các sản phẩm làm trắng da ở châu A và là nguồn tự nhiên của Hydroquinone. Mặc dù chúng yếu và ít hiệu quả hơn hơn Hydroquinone được chế tạo công nghiệp, nhưng rất an toàn.
-
Kojic Axit: là sản phẩm phụ của quá trình làm rượu gạo, sake Nhật Bản. Là lựa chọn thiên nhiên nhưng chất này được xem là chất ngăn chặn quá trình sản sinh hắc tố da và bị cấm ở nhiều quốc gia.
-
Retinoic Axit: Retinoic Axit tương đối hiệu quả nhưng đều có thể gây tác dụng phụ bao gồm rát da và dẫn đến việc nhạy cảm với tia UV (do đó làm trầm trọng thêm chứng tăng sắc tố da). Retinoids không phù hợp với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vì các liên hệ với trẻ sơ sinh.
-
Vitamin C: Dẫn xuất Vitamin C đã được chứng minh tương đối có tác dụng trong việc chống lại chứng tăng sắc tố da và được sử dụng kết hợp với các thành phần hợp tính khác.
-
B-Resorcinol: Một hợp chất rất hiệu quả trong việc làm giảm sắc tố melanin là B-Resorcinol hoặc butyl resorcinol. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn tyrosinase - loại enzym hình thành hắc tố. Dòng sản phẩm Eucerin Even Brighter có chứa B-Resorcinol, được chứng minh lâm sàng có thể làm giảm các đốm da đậm màu trong vòng 4 tuần và không làm da đau rát.
-
Một số hoạt chất khác: Azelaic acid, Corticosteroid, Cysteamin, Licorice, Niacinamide, Mequinol, N-acetyl glucosamine cũng là các thành phần thường dùng để điều trị tăng sắc tố da sau viêm.
-
Để nâng cao hiệu quả điều trị, thuốc bôi chứa nhiều hoạt chất có thể được sử dụng, chẳng hạn:
-
Thuốc 2 thành phần: Hydroquinone + Tretinoin đã được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị PIH. Tuy nhiên, loại thuốc này ít được sử dụng vì có nguy cơ kích ứng cao.
-
Thuốc 3 thành phần: Để hạn chế kích ứng, có thể sử dụng thuốc trị tăng sắc tố sau viêm 3 thành phần Hydroquinone + Tretinoin + Corticosteroid.. Corticosteroid có tác dụng là giảm tình trạng viêm da, kích ứng do Hydroquinone và Tretinoin gây ra. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng nguy cơ teo da thấp khi điều trị sạm nám bằng thuốc 3 thành phần.
>>>Xem thêm: Nám da mặt vùng má: Nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm, hiệu quả
Sử dụng thuốc bôi là phương pháp điều chỉnh, giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm (Nguồn: Internet)
-
Áp dụng thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn: Dựa trên cơ chế loại bỏ tế bào da sậm màu, kích thích tái tạo tế bào da mới, đây là cách điều trị phù hợp cho trường hợp tăng sắc tố da ở lớp thượng bì, kém hiệu quả với tăng sắc tố ở lớp trung bì. Một số phương pháp xâm lấn phổ biến như lột da hóa học, laser xâm lấn, lăn kim, bào mòn da. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của tình trạng tăng sắc tố da và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả, hạn chế gây tổn thương lớp thượng bì và dẫn đến tình trạng tăng sắc tố sau peel, tăng sắc tố sau laser,...
-
Áp dụng thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn: Đây là thủ thuật loại bỏ, có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp tăng sắc tố da sau viêm. Các phương pháp không xâm lấn như ánh sáng trị liệu, laser trị tăng sắc tố sau viêm (xung dài hoặc xung ngắn) có tác động sâu xuống lớp trung bì để loại bỏ hắc sắc tố melanin mà không gây tổn thương cho bề mặt da. Đồng thời kích thích sản sinh collagen, giúp tái tạo da từ bên trong, mang lại làn da đều màu, săn chắc. Cần thực hiện nhiều lần để đạt hiệu quả tốt nhất và lựa chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn.
>>>Xem thêm: Cách phân biệt nám và tàn nhang cực kì đơn giản
Điều trị tăng sắc tố da sau viêm bằng phương pháp loại bỏ (Nguồn: Internet)
Điều trị bệnh lý về da
Để điều trị PIH hiệu quả và rút ngắn thời gian hồi phục, cần tác động trực tiếp lên vùng da sẫm màu kết hợp với điều trị các bệnh lý da nền. Điều trị tốt các bệnh lý về da như mụn trứng cá, vẩy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dầu,... sẽ giúp giảm tình trạng viêm, từ đó thúc đẩy quá trình cải thiện PIH.
Điều trị các bệnh lý về da để cải thiện tình trạng tăng sắc tố (Nguồn: Internet)
Lưu ý khi mắc chứng tăng sắc tố da sau viêm
Để tránh tình trạng tăng sắc tố da sau viêm trở nên nghiêm trọng hơn, bạn cần lưu ý những điều sau:
-
Hạn chế tác động mạnh lên vùng da đang bị PIH, bao gồm: không ngâm nước, gỡ mài, tác động mạnh hoặc kéo căng da.
-
Tránh sử dụng các sản phẩm có thể làm tăng sắc tố da như Tetracyclin, Bleomycin,...
-
Sử dụng sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ, không gây kích ứng.
-
Dưỡng ẩm da thường xuyên để da luôn mềm mại và khỏe mạnh.
-
Hạn chế trang điểm, sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
-
Tia UV từ mặt trời gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên làn da, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng do đó, cố gắng tránh xa khỏi mặt trời. Sử dụng các sản phẩm kem chống nắng có độ quang phổ rộng hàng ngày như là một bước trong quá trình làm sạch và chăm sóc da hàng ngày.
-
Các biện pháp điều trị đều phải tốn thời gian vài tuần để có thể có sự khác biệt đáng kể do đó cần phải thật kiên nhẫn, bền bỉ.
-
Nếu bệnh nhân lo lắng về kích thước, hình dáng hay màu sắc của các mảng da tối màu, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu hay dược sĩ.
Luôn chống nắng cho da thật kỹ (Nguồn: Internet)
Tăng sắc tố sau viêm (PIH) là một vấn đề da liễu phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với việc điều trị và chăm sóc da đúng cách, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng PIH và lấy lại làn da sáng khỏe. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc da, hãy truy cập eucerin.com.vn ngay nhé.